Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa công bố Báo cáo Tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam. Sau 2 thập kỷ, tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước vào khu công nghiệp tương đương 80 tỷ USD. Trong đó, gần 60 tỷ là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đăng ký vào 4.113 dự án.
Tốc độ giải ngân vấn là vấn đề đáng quan ngại khi số vốn đầu tư thực tế nhà đầu tư ngoại bỏ ra mới chỉ đạt khoảng 27 tỷ USD, tương đương 45% số đăng ký. Tuy vậy, tỷ lệ vốn đầu tư trên diện tích đất sử dụng vẫn có dấu hiệu tăng mạnh qua các năm, đạt trung bình 3,5 triệu USD mỗi ha vào cuối năm 2011, lần lượt cao gấp 2 và gấp 3 lần so với thời điểm 2005 và 2001.
Trên 50 dự án cảng quốc tế đang được xậy dựng tại Đô thị Mới Phú Mỹ
Tính đến 12/2011, cả nước có 283 khu công nghiệp với tổng diện tích là 76.00 ha tại 58 tỉnh, thành phố. Tuy mới chỉ có 180 trong số này chính thức đi vào hoạt động nhưng theo tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, mỗi ha đất khu công nghiệp cho thuê tạo được 2 triệu USD giá trị công nghiệp. Trong đó xuất khẩu 1,27 triệu USD, nộp ngân sách khoảng 1,4 tỷ đồng và sử dụng được 77 lao động trực tiếp. Những thống kê này đều cho thấy hiệu quả hơn so với các mục đích sử dụng đất khác.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, cơ quan quản lý cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong việc phát triển khu công nghiệp thời gian qua. Trong đó nổi bật là chất lượng quy hoạch và phát triển khu công nghiệp còn ở trình độ thấp, thiếu tầm nhìn dài hạn cũng như khả năng phối hợp giữa các tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, các địa phương chỉ chủ yếu kêu gọi đầu tư để lấp đầy khu công nghiệp chứ chưa chú ý đến cơ cấu kinh tế, trình độ công nghệ, dẫn đến chất lượng đầu tư thấp. Ngoài ra, còn nhiều trở ngại khác như công tác giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo thu nhập, đời sống của người lao động trong khu công nghiệp.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự kiến phát triển hệ thống các khu công nghiệp trên cả nước theo định hướng nâng cao chất lượng quy hoạch, xây đựng đồng bộ hệ thống hạ tầng. Đồng thời, sẽ tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thâm dụng vốn và giúp thúc đẩy các liên kết ngành. Ngoài ra, các vấn đề như bảo vệ môi trường, đảm bảo đời sống người lao động, hoàn thiện thể chế cũng sẽ được trung ương và các địa phương quan tâm hơn.
(Nguồn: VnExpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét