Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải: Phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế

Ban điều hành đề án phát triển logistics vừa tổ chức cuộc họp báo cáo tình hình thực hiện đề án phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020 và ghi nhận được, nhiều ý kiến đóng góp bổ ích.
Đã có những hãng tàu lớn Maersk, CMA, MOL đưa tàu vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải làm hàng, tuy nhiên lượng hàng hóa thông qua vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Trong ảnh: Tàu trọng tải trên 100 ngàn tấn của hãng tàu Maersk làm hàng tại Cảng quốc tế Cái Mép.
Đã có những hãng tàu lớn Maersk, CMA, MOL đưa tàu vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải làm hàng, tuy nhiên lượng hàng hóa thông qua vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Trong ảnh: Tàu trọng tải trên 100 ngàn tấn của hãng tàu Maersk làm hàng tại Cảng quốc tế Cái Mép.
Có sự chính danh     
Tại buổi làm việc, đại diện đơn vị tư vấn cho đề án “Phát triển hoạt động cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải giai đoạn 2013-2020” là ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) cho biết, ngày 22-10 vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải. Một trong những mục tiêu của đề án là để điều chỉnh, cân đối cung cầu hàng hóa và bến cảng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của những bến cảng đã được đầu tư. Triển khai các giải pháp thu hút hàng hóa trung chuyển về các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải nhằm tận dụng khả năng tiếp nhận tàu lớn (trên 80 ngàn tấn) thực hiện dịch vụ trung chuyển.
Từ đó có thể khẳng định, các bến cảng Cái Mép - Thị Vải đã được Bộ Giao thông – Vận tải nhìn nhận là cảng trung chuyển. Hiện nay, công tác điều chỉnh quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam được Portcoast thực hiện, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quy hoạch điều chỉnh đã kiến nghị chuyển chức năng của cảng Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) thành cảng đa năng, đồng thời kiến nghị bổ sung chức năng trung chuyển quốc tế cho cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. “Cái Mép - Thị Vải chắc chắn sẽ được định danh là cảng trung chuyển quốc tế”, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.
Giải pháp mang tầm quốc tế           
Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng, đã là cảng trung chuyển quốc tế thì phải so sánh cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với các cảng trung chuyển trong khu vực như Singapore, Hồng Kong… về giá cả, dịch vụ, từ đó mới thấy được những điểm mạnh, yếu của Cái Mép - Thị Vải mà khắc phục, điều chỉnh để nâng cao giá trị cho cụm cảng. “Về giải pháp phải thu hút hàng hóa cho cụm cảng cần có sự tiếp xúc, làm việc giữa các địa phương TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua đó sẽ bàn bạc, thống nhất và chia sẻ lợi ích hàng hóa với nhau”,  ông Nguyễn Hữu Lợi nói thêm.
Các cảng biển muốn hoạt động hiệu quả thì phải có tàu, có hàng, tuy nhiên trong đề án chưa chú trọng lắm đến các hãng tàu, chủ hàng. Ngoài nguồn hàng trong nước cần nên tập trung hút hàng hóa ngoài nước.
Tham gia cuộc họp, ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà tư vấn Portcoast, cần nên đưa ra các giải pháp cụ thể, có sự nhìn nhận đánh giá đa chiều so với các cảng quốc tế để thu hút đầu tư để hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ để tăng tính cạnh tranh. “Đồng thời có các giải pháp để tiếp cận các hãng tàu, chủ hàng, các chính sách hấp dẫn họ để đưa tàu, hàng về Cái Mép - Thị Vải. Đặc biệt, nên đưa giải pháp khơi thông nguồn hàng quốc tế, thị trường hàng hóa từ các nước trong khu vực và thế giới. Cần tổ chức các cuộc hội thảo mà khách mời là các hãng tàu, chủ hàng. Qua đó biết thêm các chính sách ưu đãi của các cảng trên thế giới đối với các hãng tàu, chủ hàng. Nắm được những điều này, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ kéo khách hàng về với mình gần hơn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Niên góp ý thêm với đơn vị tư vấn.
Bài, ảnh: THÀNH HUY

Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển

Ngày 8-11, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (TP. Bà Rịa), Sở Tài nguyên - Môi trường tổ chức hội nghị công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam. 500 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị.
Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu tiềm năng phát triển
Tại hội nghị Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo đã giới thiệu khái quát về đại dương thế giới, những tiềm năng và tài nguyên nằm trong lòng biển như: băng cháy, đa kim, bùn khoáng…; các quốc gia có kinh tế biển mạnh như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…; phổ biến hệ thống kiến thức pháp lý cơ bản về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển, hải đảo, trong đó có hệ thống thể chế quản lý nhà nước về biển, hải đảo ở Việt Nam và một số nước trên thế giới và chính sách, chiến lược quản lý biển ở Việt Nam và một số nước trên thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi cho rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế tài nguyên, tiềm năng để phát triển kinh tế biển, trong đó hệ thống cảng biển là một lợi thế so sánh lớn của Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế biển thông qua việc quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo.
THÀNH HUY

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Cảng biển Vũng Tàu được phân loại IA - Cảng đặc biệt của Quốc Gia

Thủ tướng Chính phủ vừa công bố Danh mục phân loại cảng biển Việt Nam. Theo đó, có 3 loại cảng biển gồm: Cảng biển loại I là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ chủ yếu cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng. 
Đối với cảng biển loại I có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước được ký hiệu là cảng biển loại IA; Cảng biển loại II là cảng biển phục vụ chủ yếu cho việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương; Cảng biển loại III là cảng biển chuyên dùng phục vụ chủ yếu cho hoạt động của doanh nghiệp.
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là những cảng duy nhất tại Việt Nam có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 100 ngàn tấn. Trong ảnh: Tàu CMA CGM LAPEROUSE quốc tịch Pháp tải trọng 157 ngàn tấn đã cập cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT).
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là những cảng duy nhất tại Việt Nam có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 100 ngàn tấn. Trong ảnh: Tàu CMA CGM LAPEROUSE quốc tịch Pháp tải trọng 157 ngàn tấn đã cập cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT).
Theo Danh mục phân loại cảng biển, cả nước có 3 cảng biển loại IA là: cảng biển Vũng Tàu, cảng biển Hải Phòng và cảng biển Khánh Hòa. Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có 9 cảng biển loại III chủ yếu là các cảng dầu khí ngoài khơi.
Mục đích của phân loại cảng biển Việt Nam nhằm tổ chức quản lý quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng và quản lý khai thác cảng biển phù hợp với Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế, thông lệ hàng hải quốc tế có liên quan. Bên cạnh đó, quyết định việc đầu tư xây dựng mới hoặc đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng biển để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tin, ảnh: SA HUỲNH