Ban điều hành đề án phát triển logistics vừa tổ chức cuộc họp báo cáo tình hình thực hiện đề án phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020 và ghi nhận được, nhiều ý kiến đóng góp bổ ích.
Có sự chính danh
Tại buổi làm việc, đại diện đơn vị tư vấn cho đề án “Phát triển hoạt động cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải giai đoạn 2013-2020” là ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) cho biết, ngày 22-10 vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải. Một trong những mục tiêu của đề án là để điều chỉnh, cân đối cung cầu hàng hóa và bến cảng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của những bến cảng đã được đầu tư. Triển khai các giải pháp thu hút hàng hóa trung chuyển về các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải nhằm tận dụng khả năng tiếp nhận tàu lớn (trên 80 ngàn tấn) thực hiện dịch vụ trung chuyển.
Từ đó có thể khẳng định, các bến cảng Cái Mép - Thị Vải đã được Bộ Giao thông – Vận tải nhìn nhận là cảng trung chuyển. Hiện nay, công tác điều chỉnh quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam được Portcoast thực hiện, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quy hoạch điều chỉnh đã kiến nghị chuyển chức năng của cảng Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) thành cảng đa năng, đồng thời kiến nghị bổ sung chức năng trung chuyển quốc tế cho cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. “Cái Mép - Thị Vải chắc chắn sẽ được định danh là cảng trung chuyển quốc tế”, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.
Giải pháp mang tầm quốc tế
Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng, đã là cảng trung chuyển quốc tế thì phải so sánh cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với các cảng trung chuyển trong khu vực như Singapore, Hồng Kong… về giá cả, dịch vụ, từ đó mới thấy được những điểm mạnh, yếu của Cái Mép - Thị Vải mà khắc phục, điều chỉnh để nâng cao giá trị cho cụm cảng. “Về giải pháp phải thu hút hàng hóa cho cụm cảng cần có sự tiếp xúc, làm việc giữa các địa phương TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua đó sẽ bàn bạc, thống nhất và chia sẻ lợi ích hàng hóa với nhau”, ông Nguyễn Hữu Lợi nói thêm.
Các cảng biển muốn hoạt động hiệu quả thì phải có tàu, có hàng, tuy nhiên trong đề án chưa chú trọng lắm đến các hãng tàu, chủ hàng. Ngoài nguồn hàng trong nước cần nên tập trung hút hàng hóa ngoài nước.
Tham gia cuộc họp, ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà tư vấn Portcoast, cần nên đưa ra các giải pháp cụ thể, có sự nhìn nhận đánh giá đa chiều so với các cảng quốc tế để thu hút đầu tư để hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ để tăng tính cạnh tranh. “Đồng thời có các giải pháp để tiếp cận các hãng tàu, chủ hàng, các chính sách hấp dẫn họ để đưa tàu, hàng về Cái Mép - Thị Vải. Đặc biệt, nên đưa giải pháp khơi thông nguồn hàng quốc tế, thị trường hàng hóa từ các nước trong khu vực và thế giới. Cần tổ chức các cuộc hội thảo mà khách mời là các hãng tàu, chủ hàng. Qua đó biết thêm các chính sách ưu đãi của các cảng trên thế giới đối với các hãng tàu, chủ hàng. Nắm được những điều này, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ kéo khách hàng về với mình gần hơn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Niên góp ý thêm với đơn vị tư vấn.
Bài, ảnh: THÀNH HUY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét