Theo bản thỏa thuận giữa Tổng công ty Đường sắt (VNR) và Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) ký kết cuối tháng 10-2007 tại Hà Nội, VNR và Vinalines sẽ cùng nhau hợp tác đầu tư phát triển các cảng cạn (ICD) tại các khu kinh tế trọng điểm trên toàn quốc, thông qua việc hình thành mạng lưới đường sắt phục vụ việc vận chuyển hàng hóa tại các ICD này.
Trước mắt, hai bên sẽ tập trung phát triển 3 trung tâm tại 3 miền Bắc- Trung- Nam để từ đó có thể hình thành một mạng lưới phân phối rộng khắp. Hai bên cũng sẽ tiến hành việc nghiên cứu đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt tại các cảng của Vinalines như: cảng Cái Mép- Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), cảng Hiệp Phước (TP.HCM), cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa), cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện), cảng Đình Vũ (Hải Phòng), cảng Cái Lân (Quảng Ninh).
Ngoài ra, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, hai bên sẽ tiến hành hợp tác trong việc kinh doanh vận tải đa phương thức, thực hiên góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp thành viên của hai bên khi thực hiện cổ phần hóa và thành lập mới các công ty, góp vốn vào các dự án trong tương lai…
Bà Rịa - Vũng tàu có tuyến đường sắt vào năm 2015
Bản thỏa thuận này được xem như một bước ngoặt quan trọng cho cả hai bên trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược là đầu tư phát triển hệ thống phân phối hàng hóa trên toàn quốc, xây dựng mạng lưới đường sắt kết nối với cảng, kinh doanh vận tải đa phương thức mà Chính phủ giao cho 2 tổng công ty.
Việc bắt tay này khởi nguồn từ yêu cầu thực tế của việc kết nối đường sắt quốc gia với đường sắt trong các cảng biển nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa bằng container đang ngày một gia tăng.
Tuyến đường sắt Cái Mép-Thị Vải theo nghiên cứu mới nhất của JTC
Thủ tướng Chính phủ đã cho phép xây dựng cảng Cái Mép- Thị Vải và giao cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư, PMU85 làm đại diện chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 6.073 tỷ đồng. Dự án sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2008 và hoàn thành vào năm 2010.
Theo đó sẽ có một tuyến đường sắt kết nối với các cảng của Vinalines tại khu vực Cái Mép- Thị Vải (Bà Rịa- Vũng Tàu), cảng Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh), cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa), cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện), cảng Đình Vũ (Hải Phòng), cảng Cái Lân (Quảng Ninh).
Theo nghiên cứu mà JTC (Railway Freight Transport System Construction Project) vừa báo cáo Bộ GTVT đầu tháng 3 này, dự báo vào năm 2017 nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng container từ Cái Mép về Biên Hòa sẽ là 2,5 triệu TEU, năm 2030 sẽ là 4 triệu TEU. Như vậy việc vận chuyển bằng đường bộ và đường sông đều không thể đáp ứng được.
Được sự tài trợ của METI, từ năm 2006 tổ chức JTC Nhật Bản đã nghiên cứu dự án xây dựng tuyến đường sắt Cái Mép- Thị Vải. Đầu năm 2008 việc nghiên cứu đã cơ bản hoàn thành và báo cáo cuối kỳ với Bộ GTVT. Theo đó, sẽ có tuyến đường sắt từ Cái Mép về Thị Vải qua ICD Đồng Nai và ICD Long Bình. Đây là một tuyến đường đôi khổ 1.435mm, chạy điện khí hóa với 8 ga, trong đó có 6 ga tại cảng.
Dự kiến năm 2017 tuyến đường sắt này sẽ vận chuyển được 750.000 container hàng hóa, tương đương với 21 đôi tàu/ngày đêm. Năm 2020 sẽ vận chuyển 835.000 container tương đương với 24 đôi tàu/ngày đêm và năm 2030 sẽ vận chuyển được 1.290.000 container tương đương với 37 đôi tàu/ngày đêm.
Qua nghiên cứu, JTC cũng đưa ra phương án nếu xây dựng tuyến đường sắt này chạy tàu điện khí hóa thì chi phí xây dựng sẽ lên tới 1,4 tỷ USD và khả năng hoàn vốn trong vòng 5 năm. Nếu chạy tàu bằng diesel thì chi phí là 1,2 tỷ USD và khả năng hoàn vốn trong 4 năm.
Nếu năm 2009 dự án xây dựng tuyến đường sắt Cái Mép- Thị Vải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì năm 2016 sẽ đưa vào khai thác. Sau khi có tuyến đường sắt, sẽ thành lập công ty vận tải container liên doanh với một công ty của Nhật khai thác với phương thức Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bên khai thác trả phí thuê cơ sở hạ tầng 8%/năm. Đây là một dự án có tầm quan trọng đặc biệt bởi nó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phân phối hàng hóa ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của VN.
Theo dự báo tuyến đường sắt Cái Mép-Thị Vải sẽ góp phần làm tăng từ 8-9% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ở phía Nam. Xây dựng tuyến đường sắt vận chuyển container sẽ cho phép vận chuyển khối lượng lớn, đúng giờ, chi phí thấp và an toàn, bổ sung cho giao thông đường bộ và đường thủy.
Đây cũng nằm trong chủ trương kết nối đường sắt giữa các cảng và các vùng kinh tế, trong đó có tuyến đường sắt này là một đoạn của đường sắt Biên Hòa- Vũng Tàu trong tương lai.
GTVT